• THỜI TRANG
  • Doanh nhân Lý Nhã Kỳ: Tôi luôn mong muốn được đóng góp cho xã hội
    Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

    Thành công cả 3 lĩnh vực điện ảnh, ngoại giao và kinh doanh chưa bao giờ là một điều dễ dàng với bất kỳ ai. Đã có rất nhiều người từng thử sức nhưng họ thất bại, hoặc chỉ thành công một lĩnh vực mà thôi. Có rất nhiều con đường để trở thành người nổi tiếng. Đó có thể là một hành trình dài nhưng có khi chỉ là khoảnh khắc, một sự tình cờ. Nhưng để những cơ hội đến tình cờ không bị bỏ qua, các bạn trẻ hãy trang bị cho mình những bí quyết được đúc kết từ thành công của chị Lý Nhã Kỳ – Nguyên Đại sứ Du lịch, Diễn viên điện ảnh, Chủ tịch HĐQT - Tập đoàn Thương mại – Đầu tư – Dịch vụ LYNK, phần nào giúp độc giả hiểu rõ hơn về “hoa thơm quả ngọt” mà chị đã vất vả, miệt mài, phấn đấu và gặt hái được ngày hôm nay.Văn Lượng thực hiện.


    Những ngày đầu tiên đóng phim đã đến với chị như thế nào? Liệu cảm xúc ấy còn nguyên vẹn đến ngày nay?


    Đó là cơ duyên may mắn của tôi, một đạo diễn người Hàn Quốc bắt gặp tôi khi tôi đang đi dạo trong một trung tâm thương mại. Ông đã mời tôi đóng phim, ông bảo tôi có một gương mặt của điện ảnh và tin là tôi sẽ làm nên một điều đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật. Vai đầu tiên tôi đóng là vai Trúc (Tình Yêu Còn Mãi – 2006). Những ngày đầu đóng phim, tôi rất bỡ ngỡ, lạ lẫm, tôi chẳng biết bất cứ một thuật ngữ điện ảnh nào, tiếng Việt nói lại chưa rành nên rất ngại phải nói câu thoại dài. Có những câu thoại dài, tôi không hiểu câu đó nghĩa như thế nào, phải nói truyền cảm ra sao và tôi cảm thấy mình chịu một áp lực rất lớn nhưng phải cố gắng và bắt nhịp dần. Tôi cũng đề nghị đạo diễn ngắt thoại dài thành các câu ngắn hoặc thay bằng những câu ngắn khác. Những cảm xúc bỡ ngỡ, ngại ngùng ấy vẫn còn mãi trong tôi đến giờ, đó là những kỷ niệm không bao giờ quên trong sự nghiệp điện ảnh của tôi.


    Vậy đâu là bước ngoặt và động lực đã thôi thúc chị chuyển sang lĩnh vực kinh doanh?

    Tôi làm kinh doanh trước khi đến với nghệ thuật. Kinh doanh là mơ ước là đam mê và là mục tiêu đã hoạch định khi tôi 10 tuổi. Tôi ra nước ngoài từ bé, sống, học tập và làm việc tại nước ngoài. Tôi đã phải đi làm từ năm 16 tuổi, cái tuổi mà chưa được phép lao động ở nước ngoài. Tôi đã phải làm việc cật lực để kiếm tiền lo cho bản thân và gia đình, từ phục vụ, thu ngân…Tôi đã làm tất cả, nhận hết các việc ngoài giờ mà người khác từ chối để được mức lương cao hơn. Trong hoàn cảnh đó, tôi không cho phép mình bệnh, nếu bệnh tôi sẽ không làm việc, không thể lo cho ba tôi lúc đó đang bệnh nặng ở nhà và lo cho cả bản thân. Chính những biến cố trong cuộc sống, những gian khổ, những giọt mồ hôi và cả nước mắt của tôi đã rơi ở xứ người thôi thúc tôi phải trở thành một doanh nhân. “Phi thương bất phú”, câu nói ngàn năm của tiền nhân lúc nào cũng tâm niệm trong tôi, tôi tự đặt ra mục tiêu cho mình để phấn đấu: trở thành doanh nhân năm 23 tuổi. Có lẽ nhờ sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng mà may mắn đã mỉm cười với tôi. Tôi gặp một công việc tốt và một ông chủ tốt, sau thời gian làm việc thì ông tin tưởng và giao cho tôi quản lý nhiều mảng quan trọng trong công việc làm ăn của ông: nhà hàng, kế toán, báo cáo…Công việc làm ăn của ông chủ ngày càng phát triển thuận lợi. Nhờ vậy mà tôi tích lũy được một số vốn kha khá và quyết định về Việt Nam lập nghiệp.


    Nhiều người cho rằng phụ nữ khi điều hành doanh nghiệp thường “cẩn trọng hơn, nhạy cảm hơn, tiết kiệm hơn…”. Quan điểm của chị như thế nào về nhận xét trên?


    Không hẳn là phụ nữ thì mới có các đức tính đó. Trong kinh doanh ngoài đòi hỏi những trình độ cơ bản về quản trị doanh nghiệp, quản trị nhân sự… thì còn đòi hỏi người đứng đầu lúc nào cũng tỉnh táo, thận trọng trong mọi quyết định. Tất nhiên vấn đề tiết kiệm cũng rất quan trọng vì tôi đã trải qua nhiều gian khổ, khó khăn nên tôi quý trọng những giá trị vật chất, cả tinh thần nữa nên phải biết quản lý, sử dụng đúng việc, đúng mục đích những giá trị mình đã tạo ra. Nhạy cảm thì có lẽ tôi không dám nhận mình nhạy cảm, nhưng tôi tin là tôi là một người lãnh đạo tâm lý, thấu hiểu và luôn chia sẻ cảm thông với cấp dưới từ công việc đến hoàn cảnh cá nhân. Tôi luôn quan tâm đến từng công việc của từng nhân sự, dù là vị trị thấp nhất trong công ty đến hoàn cảnh của họ để tôi có thể kịp thời điều chỉnh, hướng dẫn công việc hoặc chia sẻ khó khăn trong cuộc sống của họ.


    Với vẻ đẹp đằm thắm, giọng nói nhỏ nhẹ và cách nói chuyện dễ gần, cộng với sức trẻ, sự năng động toát ra từ gương mặt, nụ cười, cách phục sức sành điệu và lịch lãm…Phải chăng tất cả những tố chất trên đã giúp chị thành công trong lĩnh vực kinh doanh, ngoại giao, thưa chị?


    Tôi luôn thầm cảm ơn ba mẹ đã sinh ra tôi có những nét đẹp trời phú, giọng nói, cách nói cũng là do ba mẹ đã ban cho. Sự thành công trên thương trường không thể có từ những cái đẹp, cái lịch lãm, sành điệu vì kinh doanh là trí tuệ, thành công cũng là do trí tuệ và cộng thêm một chút may mắn. Sành điệu, lịch lãm chỉ là sự khẳng định vị thế của mình trong giới Doanh nhân, trong các mối quan hệ ngoại giao quốc tế. Công việc kinh doanh của tôi gắn liền với nhiều lĩnh vực: tư vấn, đầu tư bất động sản, truyền thông, kim hoàn, thời trang…, và được tiếp xúc, làm việc với các nhà thiết kế nổi tiếng thế giới nên tôi phải hòa nhập vào môi trường này. Tôi luôn mong muốn được đóng góp cho xã hội, muốn chia sẻ với tất cả những mảnh đời, hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống nên tôi dùng tên của mình đặt tên cho công ty LYNK, viết tắt của Lý Nhã Kỳ. Tôi muốn công ty của tôi cũng sẽ mạnh mẽ và gặt hái thành công như tôi đã có được, quan trọng hơn là chính từ Công ty LYNK sẽ tạo ra nhiều giá trị hữu ích cho xã hội đúng như tâm nguyện của tôi. Thành công và có được vị trí trên thương trường quốc tế, tạo được các mối quan hệ với các doanh nhân, chính khách thế giới là tôi đang khẳng định bản thân mình nói riêng và người Việt Nam nói chung đang dần tạo được niềm tin, vị thế trong bạn bè thế giới.


    Là nữ doanh nhân thành đạt, chị có thể chia sẻ lý tưởng, kinh nghiệm quản lý, ngoại giao của mình cho lớp doanh nhân trẻ tương lai được không? 


    Trước hết, tôi muốn nhắn gởi đến các bạn trẻ đang trên con đường trở thành doanh nhân: Hãy lao động hết mình, hãy cống hiến cho xã hội các bạn sẽ thành công. Trong quản lý hãy dùng kiến thức, sự sáng tạo và cái tâm nhân ái của mình bạn sẽ thành công. Trong ngoại giao phải dùng trí tuệ, sự khôn khéo và phải trang bị kỹ năng xử lý, ứng phó tình huống bất ngờ, bạn sẽ thành công.

     

    Xin cảm ơn chị về những trải nghiệm thú vị này ! 

     

    TIN KHÁC
    TOP